Mục đích duy nhất của kinh doanh không chỉ là tạo ra lợi nhuận. Khi biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế và các vấn đề lớn khác tác động đến cộng đồng trên toàn thế giới, các công ty ngày càng được kỳ vọng sẽ đóng góp vào những điều tốt đẹp hơn.
Trong một nghiên cứu gần đây của Deloitte, 93% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ tin rằng các công ty không chỉ là đơn vị sử dụng lao động mà còn là đơn vị quản lý xã hội. 95% cho biết họ đang có kế hoạch thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề quy mô lớn trong thời gian tới và sẽ dành nguồn lực đáng kể cho các sáng kiến có trách nhiệm với xã hội.
Bài viết này cung cấp góc nhìn dễ hiểu cho thấy tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội trong kinh doanh và 5 ví dụ có thể truyền cảm hứng cho doanh nghiệp của bạn.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là gì?
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là một mô hình kinh doanh trong đó các công ty hoạt động vì lợi nhuận tìm cách tạo ra các lợi ích xã hội trong khi theo đuổi mục tiêu của tổ chức, như tăng trưởng doanh thu và tối đa hóa giá trị của cổ đông.
Nhiều doanh nghiệp lớn đang thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội, tạo ra chức danh giám đốc trách nhiệm xã hội hay giám đốc phát triển bền vững (CSO) để quản lý các sáng kiến về xã hội và môi trường.
Mặc dù CSR có thể khác nhau đối với mỗi tổ chức, nhưng mục tiêu cuối cùng luôn giống nhau: Muốn được tiếng hay thì phải làm điều tốt việc thiện.
Thay vì chỉ tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận, các công ty có trách nhiệm với xã hội còn xem xét tác động của các quyết định kinh doanh đối với con người và sức khỏe của hành tinh.
Không phải ngẫu nhiên mà một số tổ chức có lợi nhuận cao nhất hiện nay cũng là tổ chức có trách nhiệm với xã hội. Dưới đây là 5 ví dụ thành công về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà bạn có thể học hỏi.
Câu chuyện truyền cảm hứng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
1. Cam kết của Lego về tính bền vững
Là một trong những công ty danh tiếng nhất thế giới, Lego hướng tới mục tiêu không chỉ giúp trẻ em phát triển thông qua hoạt động vui chơi sáng tạo mà còn nuôi dưỡng một hành tinh khỏe mạnh.
Lego là công ty đồ chơi đầu tiên và duy nhất được vinh danh là Đối tác Bảo vệ Khí hậu của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới, đánh dấu cam kết giảm thiểu tác động của carbon. Và cam kết về tính bền vững của Lego còn vượt ra ngoài các mối quan hệ đối tác.
Đến năm 2030, hãng đồ chơi này có kế hoạch sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường để sản xuất tất cả các sản phẩm cốt lõi và bao bì – và họ đang thực hiện các bước quan trọng để đạt được mục tiêu đó.
Trong năm 2013 và 2014, Lego đã thu nhỏ kích thước hộp của mình xuống 14%, tiết kiệm được khoảng 7.000 tấn bìa cứng. Sau đó, vào năm 2018, công ty đã giới thiệu bộ đồ chơi 150 mảnh ghép được làm từ mía có nguồn gốc bền vững. Công ty gần đây cũng đã cam kết loại bỏ tất cả bao bì nhựa sử dụng một lần khỏi vật liệu của mình vào năm 2025.
Cùng với những thay đổi này, hãng đồ chơi đã cam kết đầu tư 164 triệu đô la vào Trung tâm Vật liệu Bền vững, nơi các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm các vật liệu sinh học có thể được đưa vào quá trình sản xuất.
Thông qua tất cả các sáng kiến trên, Lego đang trên đường giải quyết những thách thức cấp bách về môi trường và đẩy mạnh sứ mệnh giúp xây dựng một tương lai bền vững hơn.
2. Mô hình từ thiện 1-1-1 của Salesforce
Ngoài việc đi đầu trong lĩnh vực công nghệ, gã khổng lồ phần mềm dựa trên đám mây Salesforce còn là công ty tiên phong trong lĩnh vực hoạt động từ thiện của doanh nghiệp.
Kể từ khi thành lập, công ty đã gây được tiếng vang với mô hình từ thiện 1-1-1 của mình, bao gồm việc cung cấp 1% sản phẩm, 1% vốn chủ sở hữu và 1% thời gian của nhân viên cho cộng đồng và hoạt động phi lợi nhuận.
Cho đến nay, nhân viên của Salesforce đã thực hiện hơn 5 triệu giờ tình nguyện. Không chỉ vậy, công ty đã trao tới 406 triệu đô la tài trợ và quyên góp cho hơn 40.000 tổ chức phi lợi nhuận và cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, thông qua việc hợp tác với các khu học chính tại San Francisco và Oakland, Salesforce đã giúp giảm tỷ lệ học lại môn đại số và góp phần giúp tăng tỷ lệ học sinh nhận điểm A hoặc B trong các lớp khoa học máy tính.
Khi doanh thu của công ty tiếp tục tăng, Salesforce là một ví dụ điển hình để chứng rằng các sáng kiến tạo ra lợi nhuận và tạo ra tác động xã hội không nhất thiết phải mâu thuẫn với nhau.
3. Sứ mệnh xã hội của Ben & Jerry
Tại Ben & Jerry’s, tác động tích cực đến xã hội cũng quan trọng như hoạt động sản xuất kem cao cấp.
Năm 2012, công ty được chứng nhận B-Corp, tức được coi là doanh nghiệp cân bằng giữa mục đích và lợi nhuận bằng cách đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về hoạt động xã hội và môi trường, minh bạch công khai và có trách nhiệm giải trình trước pháp luật.
Là một phần trong cam kết dẫn đầu với các giá trị tiến bộ, nhà sản xuất kem đã thành lập Quỹ Ben & Jerry vào năm 1985, một tổ chức chuyên hỗ trợ các phong trào cấp cơ sở nhằm thúc đẩy thay đổi xã hội.
Mỗi năm, quỹ trao tặng khoảng 2,5 triệu đô la tài trợ cho các tổ chức ở Vermont và trên khắp nước Mỹ. Những đơn vị nhận tài trợ bao gồm hiệp hội công nhân, nhóm nhân quyền nỗ lực xóa đói giảm nghèo, tổ chức bảo vệ sức khỏe môi trường có trụ sở tại New York…
Hoạt động của quỹ đã giành được Giải thưởng của Ủy ban Quốc gia về Hoạt động Từ thiện Có trách nhiệm vào năm 2014.
4. Tác động xã hội của Levi Strauss
Ngoài việc là thương hiệu thời trang thành công hàng đầu trong lịch sử, Levi’s còn là một trong những thương hiệu đầu tiên thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững và tốt cho sức khỏe môi trường.
Năm 1991, thương hiệu đã tạo ra “Điều khoản cam kết”, trong đó thiết lập quy tắc ứng xử toàn cầu liên quan đến chuỗi cung ứng của mình và đặt ra các tiêu chuẩn về quyền của người lao động, môi trường làm việc an toàn và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.
Để duy trì cam kết của mình trong một thế giới đang thay đổi, Levi’s thường xuyên cập nhật điều khoản cam kết của mình. Năm 2011, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập bộ quy tắc ứng xử, Levi’s đã công bố sáng kiến Sức khỏe người lao động nhằm thực hiện các chương trình mạnh mẽ hơn tập trung vào sức khỏe và hạnh phúc của công nhân thuộc chuỗi cung ứng.
Kể từ năm 2011, sáng kiến đã được mở rộng sang 12 quốc gia và hơn 100.000 người lao động đã được hưởng lợi từ sáng kiến này. Vào năm 2016, thương hiệu đã cam kết sẽ mở rộng chương trình cho hơn 300.000 công nhân và sản xuất hơn 80% sản phẩm của mình trong các nhà máy áp dụng sáng kiến này vào năm 2025.
Vì những nỗ lực không ngừng để duy trì sức khỏe của con người và môi trường, Levi’s đã được vinh danh là một trong những đơn vị chiến thắng Giải thưởng Golden Halo Award năm 2020 của Engage for Good, đây là vinh dự cao quý nhất dành cho các công ty có trách nhiệm với xã hội.
5. Cam kết của Starbucks về nguồn cung ứng
Starbucks đã đưa ra báo cáo trách nhiệm xã hội đầu tiên của công ty vào năm 2002 với mục tiêu trở nên nổi tiếng với các sáng kiến CSR cũng như các sản phẩm của mình. Một trong những cách giúp thương hiệu hoàn thành mục tiêu này là thông qua việc tìm nguồn cung ứng có tiêu chuẩn đạo đức cao.
Vào năm 2015, Starbucks đã xác minh rằng 99% chuỗi cung ứng cà phê của họ đáp ứng điều này. Họ tìm cách tăng con số đó lên 100% thông qua nỗ lực liên tục và quan hệ đối tác với các tổ chức/ nông dân trồng cà phê địa phương.
Thương hiệu đã hợp tác với Tổ chức Bảo tồn Quốc tế để tạo ra một trong những bộ tiêu chuẩn đầu tiên về nguồn cung ứng, được gọi là CAFE. Bộ tiêu chuẩn CAFE đánh giá các trang trại cà phê dựa trên các tiêu chuẩn kinh tế, xã hội và môi trường cụ thể, đảm bảo Starbucks có thể cung cấp sản phẩm của mình trong khi vẫn duy trì tác động xã hội tích cực.
Starbucks đã được Ethisphere vinh danh là một trong những công ty có đạo đức nhất thế giới vào năm 2021.
Thực tế đã chứng minh rằng cam kết sâu sắc về trách nhiệm xã hội có thể giúp doanh nghiệp đạt được danh tiếng lẫn doanh thu đáng mơ ước. Bằng cách học hỏi từ những sáng kiến này và phát triển theo cách của riêng mình, bạn có thể giúp doanh nghiệp của mình phát triển lớn mạnh hơn, ngay cả khi đang phải đối mặt với những thách thức và biến động lớn..
(Nguồn: Harvard Business School Online)