Tâm lý

Học thuyết về 8 giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của Erikson

Erik Erikson (1905-1994) sinh tại Franfurt (Đức). Ông đã từng học nghệ thuật và vẽ chân dung trẻ em. Sau đó ông vào học tại viện phân tâm học của thành phố Viên (Áo) và được đào tạo trực tiếp bởi S.Freud, Anna Freud và nhiều nhà phân tâm tài năng khác.
Năm 1933, ông trở thành nhà phân tâm trẻ em đầu tiên của Boston (Mỹ), giảng dạy tại trường y Harvard và nhiều viện danh tiếng khác, cuối cùng ông làm việc tại bệnh viện ở San Fracisco.

Erik Erikson là một nhà tâm lý học nghiên cứu về bản ngã, ông là người xây dựng nên một trong những học thuyết nổi tiếng, mang tầm ảnh hướng nhất về sự phát triển của con người. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi nhà phân tâm học Sigmund Freud, nhưng học thuyết của Erikson tập trung nhiều vào sự phát triển tâm lý xã hội thay vì sự phát triển tâm lý tính dục. Các giai đoạn trong học thuyết này bao gồm :

Giai đoạn 1 – Tin tưởng và Hoài Nghi. – Trust vs. Mistrust

Giai đoạn 2 – Tự chủ và Tủi hổ. – Autonomy vs. Shame and Doubt

Giai đoạn 3 – Chủ động và Cảm giác tội lỗi. – Initiative vs. Guilt

Giai đoạn 4 – Siêng năng và Tự ti. – Industry vs. Inferiority

Giai đoạn 5 – Định hình cái tôi và Bối rối về vai trò. – Identity vs. Confusion

Giai đoạn 6 – Gắn bó và Cô lập.  – Intimacy vs. Isolation

Giai đoạn 7 – Kiến tạo giá trị và Đình trệ.  – Generativity vs. Stagnation

Giai đoạn 8 – Trọn vẹn và Thất vọng. – Integrity vs. Despair

Hãy cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn các thông tin cơ bản và các giai đoạn khác nhau trong học thuyết về sự phát triển tâm lý xã hội của Erikson.

Nguồn: selfninja.com

Thế nào là Phát triển Tâm lý Xã hội? 

Mỗi giai đoạn trong học thuyết của Erikson được “đắp nền” từ giai đoạn trước đó và chính từng giai đoạn này sẽ dọn đường cho các giai đoạn tiếp theo sau nó trong quá trình phát triển. Trong mỗi giai đoạn con người trải qua một mâu thuẫn, và mâu thuẫn này đóng vai trò là cột mốc chuyển đổi trong sự phát triển và hình thành phẩm chất tâm lý. Nếu mâu thuẫn xứ lý thành công, họ sẽ bước vào giai đoạn mới với các sức mạnh tâm lý hữu ích giúp họ cong cả cuộc đời. Nếu họ thất bại trong việc xử lý hiệu quả những xung đột này, họ không thể hình thành những kỹ năng thiết yếu cần có để hiểu rõ chính mình.

Mỗi giai đoạn trong học thuyết của Erikson đều đào sâu vào quá trình hình thành năng lực trong một khía cạnh nào đó của cuộc sống. Nếu giai đoạn này được xử lý tốt, chủ thể sẽ cảm nhận được quyền làm chủ, mà đôi khi còn được gọi là sức mạnh bản ngã hay năng lực bản ngã. Nếu không xử lý tốt giai đoạn này thì chủ thể sẽ cảm thấy sự bất cân xứng, thiếu hụt trong chính những khía cạnh kể trên.

Giai đoạn 1 : Sơ sinh (mới sinh đến 18 tháng tuổi)

Xung đột cơ bản: Tin tưởng và Hoài nghi.

Sự kiện quan trọng: Cho ăn.

Đây là  giai đoạn nền tảng nhất trong cuộc đời. Vì một đứa trẻ sơ sinh là đối tượng cực kỳ phụ thuộc người khác nên sự tin tưởng được hình thành ở đây sẽ dựa vào mức độ đáng tin và phẩm chất của người chăm sóc trong tất cả mọi phương diện mà nó cần để sinh tồn, bao gồm thức ăn, tình yêu thương, hơi ấm, sự an toàn và chăm sóc nuôi dưỡng.

Tất cả mọi thứ. Nếu không được chăm sóc và yêu thương đầy đủ, đứa trẻ sẽ cảm thấy rằng mình không thể tin tưởng hoặc lệ thuộc vào người lớn nào trong đời mình.

Nếu trẻ xây dựng niềm tin thành công, nó sẽ bắt đầu cảm thấy an toàn và yên tâm trong thế giới của mình. Người chăm sóc bất nhất, không bên trẻ khi chúng cần, hay có thái độ chối bỏ sẽ góp phần hình thành cảm giác hoài nghi ở trẻ khi được những người này chăm sóc. Việc không thể hình thành sự tin tưởng sẽ gây ra nỗi sợ hãi và một niềm tin cho rằng thế giới này cũng bất nhất và khó đoán như vậy.

Giai đoạn 2 : Đầu thời thơ ấu (2 đến 3 tuổi)

Xung đột cơ bản: Tự chủ, Tủi hồ và Hoài nghi.

Sự kiện quan trọng: Tập đi vệ sinh.

Vào thời điểm này, trẻ mới bắt đầu có được một chút cái gọi là độc lập tự chủ. Trẻ bắt đầu tự mình thực hiện những hành động cơ bản và đưa ra những quyết định đơn giản về cái chúng lựa chọn. Việc cho phép trẻ đưa ra lựa chọn và có được quyền kiểm soát sẽ tạo điều kiện cho người chăm sóc giúp trẻ hình thành cảm nhận về sự tự chủ.

Việc tập cho trẻ đi toilet là một cấu phần sống còn trong quá trình này. Theo Erikson việc học cách kiểm soát quá trình vận hành của bản thân sẽ giúp trẻ cảm thấy mình có quyền kiểm soát và cảm nhận rõ ràng về tính độc lập.

Trẻ nào hoàn thành giai đoạn này thành công sẽ cảm thấy an tâm và tự tin, trong khi những trẻ không hoàn thành tốt sẽ cảm thấy thiếu hụt và tự nghi hoặc bản thân mình. Erikson tin rằng việc đạt được sự cân bằng giữa sự tự chủ, nỗi tủi hổ và sự nghi ngờ sẽ giúp trẻ tạo dựng ý chí, chính là niềm tin rằng trẻ có thể hành xử có suy tính, biết suy nghĩ và có giới hạn.

Giai đoạn 3: Trước tuổi đến trường (3 đến 5 tuổi)

Xung đột cơ bản: Chủ động và cảm giác tội lỗi.

Sự kiện quan trọng: Khám phá.

Giai đoạn 3 của quá trình phát triển tâm lý xã hội diễn ra trước tuổi đến trường.

Tại giai đoạn này, trẻ bắt đầu khẳng định sức mạnh và sự kiểm soát thế giới qua hoạt động đóng kịch và các hoạt động tương tác xã hội khác.

Trẻ nào thành công trong giai đoạn này sẽ cảm thấy mình có khả năng và có thể lãnh đạo người khác. Trẻ nào không có được những kỹ năng này sẽ cảm thấy tội lỗi, nghi ngờ bản thân và thiếu sự chủ động.

Khi trẻ đạt được trạng thái cân bằng lý tưởng giữa tính chủ động cá nhân và thái độ sẵn sàng hợp tác với người khác, phẩm chất bản ngã mang tên “chủ tâm” xuất hiện.

Giai đoạn 4 : Tuổi đi học (6 đến 11 tuổi)

Xung đột cơ bản: Siêng năng và Tự ti

Sự kiện quan trọng: Đi học

Giai đoạn phát triển tâm lý xã hội thứ tư diễn ra trong những năm tháng đi học đầu đời, độ tuổi tử 5 đến 11.

Nhờ tương tác xã hội, trẻ bắt đầu cảm thấy tự hào về những thành tích và năng lực của bản thân. Trẻ nào nhận được sự động viên và khen ngợi từ cha mẹ và thầy cô sẽ bắt đầu cảm nhận về năng lực và niềm tin vào các kỹ năng của mình. Trẻ nào không nhận được sự khích lệ từ cha mẹ, thầy cô hoặc bạn bè sẽ nghi ngờ về năng lực đạt được thành công của mình.

Thành công tìm được sự cân bằng trong giai đoạn phát triển này sẽ tạo nên một sức mạnh có tên là năng lực, tức là niềm tin về khả năng xử lý tốt công việc mình được giao.

Giai đoạn 5: Vị thành niên (12 đến 18 tuổi)

Xung đột cơ bản: Định hình cái tôi và Xung đột vai trò

Sự kiện quan trọng: Các mối quan hệ xã hội

Giai đoạn thứ năm trong quá trình phát triển tâm lý xã hội diễn ra trong những năm tháng tuổi teen đầy xáo trộn. Giai đoạn này đóng một vai trò thiết yếu trong sự phát triển cảm nhận về định hình (bản dạng) cái tôi, bản dạng này sẽ tiếp tục ảnh hưởng lên hành vi và sự phát triển của toàn bộ cuộc sống sau này.

Trong suốt tuổi vị thành niên, trẻ khám phá sự tự lập và hình thành cảm nhận về bản thân. Những người nhận được sự khích lệ và củng cố phù hợp sẽ vượt qua giai đoạn này với sự cảm nhận mạnh mẽ về bản thân, cảm giác tự lập và chủ động kiểm soát. Những người vẫn còn không chắc chắn về những niềm tin và ham muốn của mình sẽ cảm thấy bất an và bối rối về bản thân cũng như tương lai.

Khi các nhà tâm lý học nói về nhân dạng, họ đang ám chỉ đến tất cả những niềm tin, lý tưởng và giá trị giúp định hình và dẫn dắt hành vi của một người. Hoàn tất thành công giai đoạn này đưa đến cái gọi là sự trung thành xã hội, mà theo như Erikson mô tả, là khả năng sống theo những tiêu chuẩn và mong đợi từ xã hội.

Theo Erikson, định hình cái tôi liên tục thay đổi nhờ những trải nghiệm và thông tin mới ta thu nhận được qua tương tác hằng ngày với người xung quanh. Khi ta có những trải nghiệm mới, ta cũng đương đầu với những thách thức có thể giúp hoặc cản trở quá trình phát triển của cái tôi.

Giai đoạn 6 : Đầu thời kỳ trưởng thành (19 đến 40 tuổi)

Xung đột cơ bản: Gắn bó và Cô lập.

Sự kiện quan trọng: Các mối quan hệ

Giai đoạn này trải dài trong thời kỳ đầu giai đoạn trưởng thành khi con người ta khám phá những mối quan hệ cá nhân.

Erikson tin rằng việc chúng ta hình thành những mối quan hệ gần gũi, gắn kết với người khác là một điều tối quan trọng. Những người hoàn thành bước này tốt sẽ hình thành được những mối quan hệ bền lâu và đảm bảo.

Hãy nhớ rằng mỗi bước đều hình thành dựa trên những kỹ năng mà chủ thể học được trong những bước trước đó. Erikson tin rằng cảm quan rõ ràng về bản dạng cá nhân là vô cùng quan trọng cho sự phát triển của các mối quan hệ thân thiết. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có cảm quan kém về bản thân thực sự có ít mối quan hệ gắn kết hơn và dễ bị cô lập cảm xúc, cô đơn và trầm cảm.

Giải quyết thành công giai đoạn này sẽ đưa đến một “trái ngọt” gọi là tình yêu thương, được xác định bằng khả năng hình thành những mối quan hệ lâu bền và có ý nghĩa với những người khác.

Giai đoạn 7 : Trung niên (40 đến 65 tuổi)

Xung đột cơ bản: Kiến tạo giá trị và Đình trệ

Sự kiện quan trọng: Đi làm và có con

Trong suốt những năm tháng trưởng thành, chúng ta tiếp tục vun đắp cuộc sống, tập trung vào sự nghiệp và gia đình.

Người thành công trong giai đoạn này sẽ cảm thấy mình đang chủ động đóng góp cho thế giới qua các hoạt động ở nhà và ở cộng đồng. Những người không thể đạt được kỹ năng này sẽ cảm thấy mình không có ích và không gắn kết với thế giới.

Chăm sóc là phẩm chất đạt được khi vượt qua giai đoạn này thành công. Tự hào về những thành tích của bản thân, nhìn con cái trưởng thành mỗi ngày và hình thành một cảm nhận về sự thống nhất với bạn đời là những thành tích quan trọng đạt được trong giai đoạn này.

Giai đoạn 8 : Trưởng thành (65 đến khi chết)

Xung đột cơ bản: Định hình cái tôi và Thất vọng.

Sự kiện quan trọng: Hồi tưởng về cuộc đời.

Giai đoạn phát triển tâm lý xã hội cuối cùng xuất hiện trong suốt những năm về già và tập trung vào những hồi tưởng về cuộc đời.

Tại thời điểm này, con người ta sẽ nhìn về lại những sự kiện trong cuộc sống và xác định xem mình có hạnh phúc với cuộc sống mình đã sống hay hối hận về những điều họ làm hoặc đã không làm.

Những người không thành công ở giai đoạn này sẽ cảm thấy cuộc sống của họ bị lãng phí và sẽ trải qua vô cùng nhiều nỗi ân hận. Họ sẽ cảm thấy cay đắng và thấy vọng.

Người nào cảm thấy tự hào về những thành tích mình đạt được sẽ cảm thấy được sự trọn vẹn thống nhất. Thành công hoàn thành giai đoạn này nghĩa là hồi tưởng lại nhưng không có nhiều điều hối hận và nhìn chung là hài lòng về những gì đã qua. Những người này có được sự khôn ngoan, thậm chí ngay cả khi đối mặt với cái chết.

Nguồn tham khảo

Erikson, E.H. Childhood and Society. (2nd ed.). New York: Norton; 1993.

Erikson, EH & Erikson, JM. The Life Cycle Completed. New York: Norton; 1998.

Carver, CS & Scheir, MF.  Perspectives on Personality. Needham Heights, MA: Allyn & Bacon; 2011.

Nguồn: https://www.verywellmind.com/erik-eriksons-stages-of-psychosocial-development-2795740

Trangtamly.blog

Tìm hiểu 4 loại hormones hạnh phúc do bạn tạo ra