Quan tâm đến sự khác biệt trong lối giáo dục Mỹ và lối giáo dục truyền thống Việt Nam, thầy giáo này đã rút ra nhiều điều thú vị.
Nhiều năm học tập và sinh sống ở Mỹ, anh Huỳnh Chí Viễn – một thầy giáo ở TP.HCM, đồng thời là một tác giả sách đã rút ra nhiều điều thú vị về sự khác biệt trong lối giáo dục Mỹ và lối giáo dục truyền thống Việt Nam. Anh cũng đưa ra các gợi ý mà bất cứ người làm cha làm mẹ nào cũng cần phải tham khảo và áp dụng để con mình được nuôi dạy toàn diện hơn.
“Tất nhiên không có cách nuôi dạy con nào tuyệt đối hoàn hảo và một đứa trẻ lớn lên có trở thành người có ích cho xã hội hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Và không phải cha mẹ Mỹ nào cũng biết cách dạy con tử tế.
Tuy nhiên, phải khách quan mà nhận xét, cách dạy con của cha mẹ phương Tây nói chung và cha mẹ Mỹ nói riêng có nhiều điểm tiến bộ và tích cực mà cha mẹ Việt Nam chúng ta cần phải học hỏi để bổ sung vào những khiếm khuyết của cách nuôi dạy con của mình”, anh Chí Viễn cho biết.
Sự khác biệt bắt nguồn từ đâu?
Quan niệm về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Quan niệm về quyền làm cha mẹ và bổn phận của con cái: Cha mẹ Việt Nam quan niệm rằng con cái do cha mẹ mang nặng đẻ đau sinh ra, cực khổ nuôi nấng nên người. Vì vậy ơn sinh thành dưỡng dục là ơn lớn nhất khiến cho đứa con phải tuyệt đối vâng lời cha mẹ và phải có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già.
Người Mỹ thì có quan niệm hoàn toàn ngược lại. Không có đứa trẻ nào đòi ra đời và bắt cha mẹ nuôi nấng chăm sóc nó cả mà tất cả đều là do cha mẹ vô tình hay chủ động tạo ra chúng mà đã tạo ra thì phải có trách nhiệm chăm sóc yêu thương nuôi dạy con cho đàng hoàng. Con cái có trách nhiệm và thương yêu cha mẹ mình vì đó là trách nhiệm của những người trong một gia đình với nhau, không phải để trả ơn.
Quan niệm về sự ngoan ngoãn của con cái: Cha mẹ Việt Nam cho rằng con do mình sinh ra phải nghe lời mình, không được cãi. Cãi lại đấng sinh thành là bất hiếu. Cha mẹ người Mỹ nghĩ rằng con mình là một thực thể tách biệt và độc lập về cả ngoại hình lẫn tư duy nên con suy nghĩ khác mình là đương nhiên và phải được tôn trọng.
Quan niệm về việc học ở trường: Cha mẹ Việt Nam vẫn giữ quan niệm học chữ là quan trọng nhất theo thứ bậc “sĩ nông công thương” của Nho giáo. Cha mẹ Mỹ quan niệm việc học văn hoá là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Nhà trường không thể dạy hết cho con cái những thứ con cần để bước vào đời. Hơn nữa, mỗi đứa trẻ đều có sở trường sở đoản khác nhau. Nếu không giỏi chữ nghĩa thì con có thể làm nghề gì tự nuôi sống bản thân mà không trái lương tâm hoặc phạm pháp là được rồi, không nhất thiết phải ông này bà nọ mới được.
Quan niệm về việc tự lập của con cái: Cha mẹ Việt Nam cho rằng bổn phận của cha mẹ là bảo vệ con cái suốt đời, “mẹ già chín mươi còn lo cho con bảy chục”. Cha mẹ Mỹ thì nghĩ mình đâu thể bảo bọc suốt đời nên cách yêu thương tốt nhất là dạy con tự chăm sóc bản thân mình.
Quan niệm về tình dục và tình yêu trước hôn nhân: Cha mẹ truyền thống Việt Nam luôn xem những thắc mắc về giới tính và tình dục của con cái ở độ tuổi dậy thì là hư đốn và sai trái nên luôn tìm cách cấm đoán hoặc lảng tránh đồng thời tỏ rất tức giận khi con cái lén mình tìm hiểu. Cha mẹ Mỹ hiểu tình dục là mối quan tâm hàng đầu của con cái tuổi dậy thì và đó là một sự phát triển tâm sinh lý hết sức tự nhiên, càng cấm thì chúng càng tò mò. Chi bằng dạy cho con cách bảo vệ bản thân để nó có thể khám phá về tình dục một cách an toàn nhất.
Quan niệm về hôn nhân của con cái: Cha mẹ Việt Nam xem việc kết hôn của con cái là trọng trách đối với dòng họ. Cha mẹ Mỹ xem chuyện hôn nhân là quyết định riêng tư của con mình, mình không thể quyết định thay chúng. Con cái có quyền kết hôn hoặc sống độc thân tới cuối đời hoặc sống với người chúng yêu mà không cần kết hôn miễn sao chúng cảm thấy hạnh phúc.
Quan niệm về con cái: Cha mẹ Việt Nam mong có con trai để nối đường hương hỏa. Cha mẹ Mỹ thì con trai con gái gì cũng là con mình sinh ra. Sau này mình già, tiền dành dụm sẽ dùng để dưỡng già, đi du lịch hay làm những gì mà mình chưa có cơ hội làm lúc trẻ. Người Mỹ không bao giờ nghĩ tới chuyện chia chác gia tài của cha mẹ.
Sau đây là 12 điều mà bất cứ người làm cha làm mẹ nào cũng cần phải tham khảo và áp dụng để con mình được nuôi dạy toàn diện hơn.
- Dạy con sống có ích cho xã hội: Nhiều cha mẹ Việt Nam kỳ vọng trong việc chọn nghề nghiệp cho tương lai ở con cái địa vị và tiền bạc chứ không phải cống hiến cho xã hội. Các bé học sinh tiểu học ở Mỹ khi hỏi về ước mơ cho tương lai đều có những suy nghĩ rất hồn nhiên và xuất phát từ mong ước đóng góp cho xã hội.
Nghề được các bé trai chọn nhiều nhất là lính cứu hoả hoặc cảnh sát đó là những nghề được xem là mang lại trật tự an toàn cho xã hội và cứu giúp người khác. Còn các bé gái thì chọn làm y tá với mục đích chăm sóc và an ủi người bệnh. Đó là vì cha mẹ Mỹ không quan trọng lắm về địa vị xã hội của con mà quan trọng sự cống hiến xã hội.
- Dạy con sống giản dị về vật chất: Cha mẹ Mỹ không khuyến khích con ăn mặc hoặc sử dụng đồ đắt tiền khi còn đi học vì không muốn con cái mình có một khoảng cách về vật chất với bạn bè để ảnh hưởng tới sự đoàn kết. Hơn nữa, cha mẹ Mỹ không muốn cho con cái ỷ lại về sự giàu có của cha mẹ mình mà không chịu cố gắng.
Họ thường dạy con cái mình không được tự hào hay khoe khoang những gì không phải do chính mình làm ra. Nếu cho con mang đồ vào lớp, cha mẹ Mỹ thường dặn con chia sẻ với các bạn. Sự khoe mẽ vô lối đó tạo cho trẻ con sự ích kỷ và đánh giá con người qua vẻ bề ngoài.
- Dạy con cư xử bình đẳng: Trong một đất nước tập trung nhiều chủng tộc và văn hóa như Mỹ, việc cư xử như thế nào cho đúng mực là điều hết sức cần thiết, nếu không muốn nói là quan trọng hàng đầu. Cha mẹ Mỹ dạy con lịch sự và lễ phép với tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, màu da, địa vị xã hội hay nghề nghiệp.
- Quan tâm tới cảm xúc của con cái và trò chuyện với chúng: Cha mẹ Mỹ quan tâm nhất khi con đi học về là con đi học có vui không, có kết được bạn mới không và con học được những gì. Khi về nhà buổi tối, phụ huynh Mỹ thường bỏ thời gian ôn bài cùng con hoặc cùng chơi với con chứ không chỉ quan tâm tới việc con được bao nhiêu điểm mười, có được cô khen hay không. Họ thể hiện sự quan tâm đến con cái thay vì chở chúng tới những lớp học thêm được sắp xếp trên một thời khóa biểu dày đặc không còn chỗ trống.
- Dạy con cách giúp đỡ và chia sẻ: Điều quan trọng nhất của cha mẹ Mỹ là con mình hoà đồng và giúp đỡ được bạn bè. Thắng thua của các bé đối với phụ huynh Mỹ không quan trọng bằng nỗ lực của con mình và các mối quan hệ bạn bè mà con mình thiết lập được. Sự so sánh thái quá về thành tích sẽ đánh mất sự trong sáng trong tình bạn của trẻ con và khiến chúng luôn có tâm lý ăn thua với nhau từng chút một.
- Dạy con nhận lỗi và rút kinh nghiệm từ sai lầm: Cha mẹ Mỹ tạo điều kiện cho con phạm phải những sai lầm nho nhỏ và tập cho con tinh thần trách nhiệm cũng như hướng dẫn con cách khắc phục hậu quả. Ví dụ khi bé nghịch phá làm đổ ly nước hoặc làm vỡ chén đĩa, thay vì đánh con hoặc phạt con quỳ gối úp mặt vào tường nhưng lại đi dọn dẹp bãi chiến trường cho con, phụ huynh Mỹ thường phạt con bằng cách dọn dẹp hậu quả mình gây ra đồng thời qua đó hướng dẫn cho con cách làm việc nhà hoặc cách nhặt các mảnh vỡ như thế nào mà không bị đứt tay.
Họ thường không có khuynh hướng bảo bọc con để trẻ không phạm phải sai lầm và nếu khi trẻ sai thì lại phạt bằng những hình thức làm cho trẻ sợ mà chừa (đánh đòn, chửi mắng) nhưng lại giải quyết hậu quả giùm con.
- Tôn trọng sự riêng tư của con cái: Cha mẹ Mỹ tôn trọng ý kiến và quyền riêng tư cá nhân của con cái. Họ sẵn sàng lắng nghe những gì con muốn nói và khuyến khích con cái nói lên ý kiến của mình chứ không áp đặt bắt con luôn phải tuyệt đối nghe theo sự sắp đặt của mình. Họ cũng không tự tiện lục lọi đồ đạc, cặp sách hoặc vào phòng con mà không xin phép. Họ không cho mình quyền kiểm soát mọi thứ thuộc về con mình từ suy nghĩ, lựa chọn, quyết định lẫn đồ dùng cá nhân của con mình ngay khi con đã lớn.
- Dạy con cách bảo vệ bản thân: Cha mẹ Mỹ bảo vệ con mình rất kỹ và dạy con mình tự bảo vệ bản thân trước những người lạ. Họ không để cho người khác tùy tiện đụng chạm hoặc trêu chọc con mình. Họ cũng không bắt con mình phải tuyệt đối nghe lời người lớn hoặc thầy cô mà luôn dạy con mình phải biết cảnh giác đối với người lạ. Họ dạy con cách phản ứng nếu bị người lớn chạm vào những chỗ nhạy cảm trên cơ thể cho dù người lớn đó là người thân, hàng xóm hay thậm chí là thầy cô trong trường.
Họ không để cho người lớn khác tự tiện hôn hít, nựng nịu, cấu véo, thậm chí nghịch ngợm chỗ kín của con mình bất chấp sự khó chịu hoặc hoảng sợ của đứa trẻ. Họ không đánh chửi con cái trước mặt người khác hoặc để những người khác góp phần vào việc dạy con của mình bởi điều này ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của con cái. Việc bắt buộc con cái phải răm rắp nghe lời thầy cô cũng sẽ khiến nhiều học sinh bị giáo viên bạo hành hoặc lạm dụng tình dục trong suốt một thời gian dài mà cha mẹ không hề hay biết.
- Khuyến khích con đặt câu hỏi và học từ nhiều nguồn khác nhau: Đối với cha mẹ Mỹ, không có điều gì là quá nhạy cảm mà con mình không thể biết hoặc không nên biết từ giới tính, tình dục, đến các vấn đề nóng bỏng thuộc về chính trị xã hội.
Thay vì cấm con tìm hiểu hoặc lảng tránh những câu hỏi của con, phụ huynh Mỹ thường sẵn sàng giải thích cho con cái hiểu những thắc mắc của chúng tùy theo độ tuổi và trình độ hiểu biết của con mình. Họ hiểu rằng hơn tất cả, đây là trách nhiệm của cha mẹ chứ không phải là trách nhiệm của nhà trường hoặc xã hội. Hơn nữa họ cũng biết rằng trong thời đại thông tin rộng mở như ngày nay, việc né tránh những câu hỏi của con cái chỉ làm chúng tò mò hơn và tìm cách để tìm hiểu.
Câu nói: “Con còn nhỏ lắm, lo học đi đừng nhiều chuyện!” gần như là câu nói cửa miệng của những bậc phụ huynh khi con cái thắc mắc điều gì mà họ không muốn trả lời. Dần dần thế hệ trẻ sẽ trở nên thờ ơ với những thứ mà đáng lẽ họ phải biết và chỉ chăm chăm học có bằng cấp để ra kiếm thật nhiều tiền.
- Dạy con tinh thần trách nhiệm và tự lập: Cha mẹ Mỹ bắt con cái chia sẻ trách nhiệm trong gia đình như làm việc nhà, không phân trưởng thứ hay trai gái. Ở Mỹ rất hiếm có trường hợp cha mẹ thuê người giúp việc nhà hoặc làm hết tất cả mọi thứ mà con cái chỉ ngồi chơi. Từ nhỏ các bé đã được dạy cách giữ cho phòng riêng của mình được ngăn nắp, biết dọn giường và dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong.
Lớn hơn tí nữa, con cái được dạy cho cách phụ giúp cha mẹ nấu nướng, dọn dẹp và những việc lặt vặt khác trong nhà. Ở tuổi trung học, các em được khuyến khích tìm công việc làm thêm nếu muốn có tiền tiêu vặt chứ không ngửa tay xin bố mẹ.
- Dạy con tính tự thân vận động và công tư phân minh: Cha mẹ Mỹ không tặng quà cho giáo viên để con mình được chiếu cố nâng đỡ về điểm số hoặc thành tích. Ở Mỹ không có ngày nhà giáo và nếu học sinh yêu thích một giáo viên nào đó của mình, các bé sẽ tự làm quà để tặng. Các món quà có giá trị về mặt vật chất hoặc tiền mặt là những thứ giáo viên không bao giờ chấp nhận.
- Dạy con yêu thương động vật và bảo vệ môi trường: Cha mẹ Mỹ dạy cho con cái yêu thương động vật từ nhỏ và đối xử với động vật một cách nhân hậu thân thiện. Người Mỹ rất thích nuôi chó mèo và coi chúng như người bạn trong nhà. Họ thường khuyến khích cho con mình nuôi một loại thú cưng nào đó để tập cho con có tinh thần trách nhiệm qua việc cho thú ăn, làm vệ sinh và chơi với thú cưng.
Ngoài ra họ cũng thường khuyến khích con cái tìm hiểu khám phá thiên nhiên làm bạn với các loài động vật nhỏ như chim chóc, sóc, thỏ… Những hành động đối xử ác độc với động vật phần lớn sẽ bị phạt nặng.
Tập cho trẻ tính yêu thương loài vật cũng là nuôi dưỡng tấm lòng nhân hậu của trẻ khi lớn lên. Một đứa trẻ không biết xót thương hoặc tìm cách giúp đỡ những con thú nhỏ bị nạn, khi lớn lên, chúng sẽ trở nên dửng dưng trước nỗi bất hạnh của đồng loại mình.
Theo Phụ nữ Việt Nam